XtGem Forum catalog
 
13 lời khuyên khi chụp ảnh bằng điện thoại
13 lời khuyên khi chụp ảnh bằng điện thoại

Chúng ta đang sống trong thời đại của những sự kết hợp. Không còn chuyện máy ảnh là máy ảnh, máy nghe nhạc là máy nghe nhạc, điện thoại là điện thoại. Điện thoại chụp ảnh từ chỗ là “phong cách, sành điệu” thì bây giờ cũng đã trở thành một chức năng khá phổ biến trên điện thoại.

Nhưng đáng tiếc là những bức ảnh chụp trên điện thoại di động thường có chất lượng không cao, một phần lý do có thể vì độ phân giải thấp, nhưng một lý do khác có thể vì kỹ thuật chụp ảnh hay cách sử dụng chưa tối ưu của người dùng. Nếu bạn đang sở hữu một chiếc điện thoại có chức năng chụp ảnh, hãy thử làm theo những hướng dẫn dưới đây, chắc chắn bạn sẽ khai thác thêm được nhiều “tiềm năng” từ chiếc điện thoại của mình.

1. Lấy sáng đối tượng

Đối tượng bạn muốn chụp càng rõ ràng thì bức ảnh của bạn càng đẹp. Nếu có thể thì hãy chụp ở ngoài trời, hoặc bật đèn cho đủ sáng khi chụp trong nhà.

Lưu ý là các nguồn ánh sáng khác nhau sẽ có ảnh hưởng khác nhau đến màu sắc bức ảnh của bạn. Nếu điện thoại của bạn có chức năng cân bằng trắng (White Balance), bạn hãy thử dùng nó để điều chỉnh mức độ ảnh hưởng này.

Một số điện thoại có đèn flash sẽ giúp bức ảnh của bạn được sáng sủa hơn ngay cả khi chụp ngoài trời. Ngoài ra, bạn không nên chụp chính diện vào các nguồn sáng vì kết quả sẽ là một bức ảnh tối đen vì ngược sáng.

2. Đứng gần

Một trong những lỗi phổ biến nhất khi chụp ảnh bằng điện thoại là đối tượng muốn chụp khi lên ảnh lại trở nên bé tí xíu và không thể nhận ra được.

Ảnh chụp trên điện thoại thường có kích thước khá nhỏ xinh do độ phân giải thấp, vì thế hãy cố gắng đứng gần đối tượng ở mức có thể và đặt đối tượng vào trọn vẹn khung hình. Như vậy, sau này nếu muốn sửa sang lại bức ảnh (phóng to đối tượng ra chẳng hạn), bạn sẽ không làm giảm chất lượng bức ảnh quá nhiều.

3. Giữ chắc tay và máy

Cũng như các loại máy ảnh khác, bạn giữ điện thoại càng yên tĩnh khi chụp thì bức ảnh của bạn sẽ càng rõ ràng. Điều này đặc biệt quan trọng trong điều kiện ánh sáng yếu vì lúc này tốc độ chớp sáng của máy ảnh sẽ cao hơn (yếu tố gây ra hiện tượng nhòe ảnh). Nếu được thì hãy đặt điện thoại hoặc tì tay lên một vật cố định (như cái cây, bức tường) khi chụp ảnh.

Lưu ý là các loại điện thoại máy ảnh thường có một khoảng chờ nhất định, khoảng 1 giây hoặc lâu hơn, từ khi bạn bấm nút chụp đến khi bức ảnh thực sự được chụp. Vì vậy bạn vẫn phải giữ điện thoại một lúc cho đến khi chắc chắn là ảnh đã được chụp.

4. Sửa ảnh trên máy tính

Mặc dù hiện nay có nhiều loại điện thoại có kèm cả chức năng chỉnh sửa ảnh, nhưng tốt hơn là bạn nên chờ và sửa những bức ảnh đó trên máy tính thì sẽ có kết quả tốt hơn.

Mặt khác, hãy chụp ảnh ở độ phân giải lớn nhất có thể để tạo điều kiện cho việc chỉnh sửa ảnh sau này. Bạn có thể chụp một bức ảnh màu rồi sửa lại thành đen trắng, chứ không thể chụp một bức ảnh đen trắng và sửa lại thành ảnh màu, phải không?

5. Đừng xóa những tấm ảnh chụp hỏng

Lưu ý là màn hình điện thoại của bạn rất nhỏ, và đôi khi bạn sẽ không xem được bức ảnh mình chụp ở chất lượng tốt nhất. Vì thế, nếu dung lượng bộ nhớ của điện thoại không quá hạn hẹp thì bạn hãy cứ giữ lại những bức ảnh mà bạn cho là chụp lỗi. Khi đưa nó lên máy tính, có thể bạn sẽ thấy nó đẹp hơn nhiều.

6. Tránh sử dụng zoom kỹ thuật số

Nếu không thật sự cần thiết thì tốt nhất bạn không nên lạm dụng chức năng zoom kỹ thuật số trên máy ảnh, vì thực ra chức năng này sẽ làm giảm chất lượng bức ảnh của bạn. Dù sao thì bạn vẫn có thể sửa bức ảnh theo ý mình bằng các phần mềm chỉnh sửa ảnh trên máy tính.

Hiện nay, một số loại máy ảnh có chức năng zoom quang học, bạn có thể sử dụng vì nó không phóng to đối tượng bạn chụp bằng cách kéo giãn các điểm ảnh.

7. Thử dùng chức năng cân bằng trắng

Ngày càng có nhiều điện thoại máy ảnh có chức năng cân bằng trắng (White Balance), chức năng này giúp bạn điều chỉnh cân bằng màu sắc của bức ảnh dựa trên các điều kiện chụp khác nhau.

Bạn hãy thử chụp vài tấm ảnh với các điều chỉnh khác nhau, bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt và dần dần sẽ có được kinh nghiệm sử dụng nó. Mức độ tác động của chức năng này trên một số loại điện thoại cũng không giống nhau hoàn toàn, vì thế hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để có được kết quả tốt nhất cho bạn.

Một mẹo khác để sử dụng chức năng này mà bạn có thể áp dụng thử:

- Dùng một miếng giấy trắng đặt trước mặt.

- Chuyển điện thoại sang chế độ chụp ảnh và hướng ống kính chụp ảnh vào miếng giấy trắng.

- Nếu miếng giấy nhìn trên màn hình chuyển sang màu khác (vàng hoặc đỏ chẳng hạn), thì bạn hãy sử dụng chức năng cân bằng trắng, điều chỉnh cho đến khi miếng giấy có màu trắng thật nhất.

8. Rèn luyện thật nhiều

Một trong điều tuyệt vời của máy ảnh kỹ thuật số (trong đó có những chiếc điện thoại máy ảnh) là khả năng chụp ảnh nhanh và gần như chẳng tốn kém gì. Vì thế bạn có thể thử nghiệm, chụp với các chế độ, vị trí khác nhau và xóa những bức ảnh không thích. Điện thoại di động thì luôn ở bên cạnh, vì thế nó là một công cụ tốt giúp bạn rèn luyện kỹ năng chụp ảnh với các cảnh trí khác nhau.

9. Tuân theo các nguyên tắc, sau đó phá vỡ chúng

Trước tiên, bạn hãy học một số nguyên tắc cơ bản của việc chụp một bức ảnh (ví dụ như nguyên tắc 1/3, không bao giờ đặt đối tượng muốn chụp vào giữa bức ảnh (tỷ lệ 1/2) mà phải đặt vào tỷ lệ 1/3).

Những nguyên tắc cơ bản đó giúp bức ảnh của bạn có hồn hơn. Nhưng sau khi đã quen thuộc và nắm bắt được các kỹ thuật chụp ảnh, bạn hãy thử phá vỡ những nguyên tắc này và làm theo nguyên tắc của riêng bạn. Vẻ đẹp của bức ảnh nằm ở những điểm bất quy tắc, những bức ảnh đẹp nhất của bạn có thể sẽ nằm đâu đó ở những điểm bất quy tắc đó.

10. Giữ cho ống kính luôn sạch

Một trong những “thách thức” của những người chủ điện thoại là giữ ống kính máy ảnh sạch sẽ, vì điện thoại thì có mặt ở rất nhiều nơi, túi quần, giỏ xách, chưa kể đến những tác động của thời tiết, và nhất là những ngón tay, kẻ thù của những ống kính máy ảnh, lại càng dễ dàng hơn khi nó nằm trên điện thoại. Rất khó, nhưng bạn nên cố gắng giữ gìn và lau chùi thường xuyên ống kính máy ảnh nếu bạn muốn có những bức ảnh đẹp. (Dùng một miếng khăn lau kính có thể là một giải pháp tốt.)

11. Đặt lại tên cho các bức ảnh

Một vấn đề gặp phải với rất nhiều người là sự gia tăng ngày càng nhiều những bức ảnh được lưu trong điện thoại. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ rối lên với hàng trăm bức ảnh và không biết giữ hay bỏ bức ảnh nào. Cách tốt nhất là sau khi chụp ảnh, bạn hãy đặt lại tên hoặc ghi một vài chú thích cho bức ảnh đó để tiện việc quản lý sau này.

12. Chụp ảnh ở độ phân giải lớn nhất

Một số loại điện thoại cho phép người dùng chọn chế độ phân giải. Tuy nhiên bạn vẫn nên chọn chế độ lớn nhất, vì độ phân giải càng lớn sẽ đem lại cho bạn bức ảnh rõ ràng sắc nét hơn, đặc biệt với những loại điện thoại có máy ảnh dưới 1 megapixels.

13. Tôn trọng các nguyên tắc khi sử dụng điện thoại máy ảnh

Mặc dù chưa có một quy định cụ thể nào cho việc sử dụng điện thoại có máy ảnh, nhưng trong một số trường hợp, việc sử dụng máy ảnh của bạn sẽ làm ảnh hưởng đến người khác.

Bạn hãy tôn trọng mọi người bằng cách hỏi ý kiến trước khi chụp ảnh người lạ, hoặc đọc kỹ nội quy tại các nơi công cộng như rạp chiếu phim, nhà hát.